Click "ảo" từ Google AdWords

*** Theo Google, có những click “không hợp lệ” không mang lại giá trị cho khách hàng, họ sẽ lọc ra ngay không tính tiền hoặc lọc sau đó và trả lại vào tài khoản Google AdWords.
*** Theo nhà quảng cáo: click “ảo” là:

  1. Click từ đối thủ
  2. Click từ phần mềm
  3. Click từ “thằng chơi xấu”

*** Theo SEONgon, click “ảo” là : … xem đoạn cuối
Bây giờ nói trên quan điểm của SEONgon: Thì click “không hợp lệ” hay click “ảo” … không cần quan tâm. Vì như thế này:
1. Click từ đối thủ:

  • Với đa số các ngành nghề, có cpc chỉ vài trăm đến vài nghìn, đối thủ của bạn không rảnh tới mức ngồi móc ví bạn vài nghìn đâu. Còn cố móc ví bạn thật nhiều click mỗi ngày thì họ phải ngồi nhiều máy tính, 1 máy mà click nhiều Google sẽ phát hiện ra, không chỉ dựa vào IP mà còn dựa vào hành vi của các click đó so với các hành vi phổ biến của khách hàng (lướt chuột, tỉ lệ thoát, tương tác với page).

Nếu bạn vẫn chưa “xuôi” với cách giải thích đó, vậy mình hỏi ngược lại “Bạn lo rằng đối thủ click bạn, vậy 1 ngày bạn click gây thiệt hại cho đối thủ bao nhiêu click?”. Câu trả lời là “Ơ, Ơ, Ơ …”. Bạn có rảnh mà ngồi click đối thủ đâu, họ cũng vậy.
Giả sử bạn rảnh đi, nếu khi bạn click, bạn biết đối thủ đang nhăn mặt vì thiệt hại, bạn sẽ mừng lắm và click tiếp. Nhưng trên thực tế bạn sẽ sớm nản vì cảm thấy đang “chửi 1 mình” vậy.
Suy cho cùng là chả ai hơi đâu ngồi click đâu.

  • Tuy nhiên có 1 số ngành cpc lên tới vài chục nghìn, có 10 đối thủ cùng cạnh tranh, mỗi đối thủ click của nhau 1 cái 1 ngày là cũng mệt rồi. Khi đó thì bạn cần áp dụng kỹ thuật và chiến thuật để tránh phần nào thiệt hại: dùng remarketing search để khách click 1 lần rồi thì lần sau hạ top với các HOTKEY (key ngắn, thương hiệu), chủ động hạ top các key mà khả năng người trong ngành hay search, các ACTIONKEY (key dài) thường đối thủ sẽ không search rồi tiện tay click quảng cáo của nhau.
  • Cũng có trường hợp sếp dặn 50 nhân viên mỗi người ở nhà click 1 cái/ngày trước khi đánh răng buổi sáng. Nhưng nói thật ai cũng nghĩ 49 người kia click rồi, mình khỏi làm, đánh răng trước đã. Hơn nữa ông sếp đó sẽ không có được sự tôn trọng từ 50 nhân viên.
  • Nếu bạn muốn xem IP của “thằng chơi xấu” thì xem hướng dẫn ở các link bên trên. Nhưng mà không cần xem đâu!

2. Click từ phần mềm:
Chúng ta rất hay lo lắng về việc đối thủ dùng tools để click tặc. Có đôi điều nói với các bạn thế này:

  • Google là công ty toàn cầu, kẻ thủ của họ ở cấp độ quốc tế, và họ sẽ die chứ không phải các bạn die nếu họ không xử lý được vấn đề này. Tin mình đi, họ xử lý được.
  • Những người click tặc giỏi nhất thì Google họ mời về chống click tặc luôn rồi.
  • Google luôn có 200 chuyên gia cấp tiến sỹ ngồi làm việc nghĩ ra thuật toán để lọc.

Các bạn xem 2 ảnh sau, khách hàng vừa mới báo không lâu, 1 ảnh chụp Analytics, số phiên truy cập (khách vào web) tăng đột biến trong ngày (2604 phiên) 21/11 so với ngày 20/11 (3 phiên), không rõ từ đâu ra vì AdWords không tăng ngân sách.

Vào tài khoản kiểm tra thì thấy Google đã lọc ra hơn 2655 click không hợp lệ do tools gây ra mà không tính thêm tiền ngay từ đầu. (Lưu ý phiên trong Analytics và Click trong AdWords không phải là 1)

Cá nhân mình cho rằng tools không vượt mặt được Google. Tuy nhiên thấy tools mình vẫn tránh vì nếu tools mới, trong vài ngày đầu khả năng hệ thống vẫn chưa lọc kịp dẫn tới trả lại tiền chậm và quảng cáo của chúng ta bị dừng do hết ngân sách.
3. Click từ “thằng chơi xấu”:
Câu hỏi mình thường nhận được là “dạo này quảng cáo click mà không có khách, chắc tôi bị click ảo rồi, lại đối thủ click rồi”.
Câu hỏi này giống như “người mình dạo này hơi ngứa, chắc do thằng ngồi cùng bàn không tắm”
Xu hướng của chúng ta là lo lắng và đổ lỗi cho các yếu tố khách quan. Khi có ai hỏi mình câu đó, việc đầu tiên mình làm là xem lại tài khoản quảng cáo của họ. Xem những gì?

  • Xem dùng các keywords đã ok chưa. Key mang tính chất khách hàng đang chỉ đi tìm hiểu hay key mà khách hàng đang muốn mua dịch vụ?
  • Các key nào đang tiêu nhiều tiền trong thời gian gần đây, liệu có phải đa phần key tiêu tiền lại là key vô nghĩa không.
  • Liệu mua từ khoá đối sánh cụm từ, thực tế người dùng search gì để click vào quảng cáo. Chúng ta quảng cáo bán “laptop vaio”, có khi show báo cáo chi tiết tìm kiếm lại toàn thấy người dùng tìm các cụm từ như “sửa laptop vaio”, “mua trả góp laptop vaio” (Tham khảo: https://support.google.com/AdWords/answer/2472708)
  • Đã chăm chỉ phủ định từ khoá để tránh lãng phí chưa?
  • Liệu website có langding page hỗ trợ tốt cho bán hàng chưa
  • Liệu đối thủ có chính sách gì mới khiến khách hàng mua bên đó ???

Tức là sao, vấn đề khi làm AdWords rất phức tạp (Ai còn đang nghĩ AdWords dễ thì qua đây đọc hết 60000 trang tài liệu rồi quay lại nói chuyện tiếp nhé https://support.google.com/AdWords/?hl=vi

Khi xem xét các vấn đề hiệu quả, hãy tập thói quen soi gương trước, đừng đổ tại cho hoàn cảnh, khách quan, kẻ xấu hãm hại. Vấn đề này không chỉ là quan điểm gói gọn trong Google AdWords.

*** CLICK ẢO THEO SEONgon LÀ ***
– Click do đối thủ, tools và vô vàn “thế lực thù địch” khác gây ra, việc này các bạn không cần lo lắng, đây là trách nhiệm của Google. Nếu bạn có nghi vấn, hãy báo với Google qua link sau, họ sẽ điều tra và trả lại bạn tiền http://goo.gl/ZPMxtp
– Click do khách hàng chưa có nhu cầu mua, chỉ là họ đang đi tìm hiểu, tham khảo. Cần phân loại được đối tượng này và hạ top quảng cáo, dùng remarketing đuổi theo để thuyết phục họ mua hàng (nói ngắn gọn thì như vậy, phức tạp thì dài lắm)
– Click do “chúng ta tự nghĩ”. Kỳ thực thế này, có một thống kê cho rằng 30% click quảng cáo trên phạm vi thế giới là bị đếm bậy. Ở các nước tiên tiến, các công ty quảng cáo đều bị kiểm toán độc lập để kiểm soát bộ đếm click, nhưng chắc chắn không có chuyện 100% các công ty bán quảng cáo tuân thủ.
Vậy tại sao thế giới vẫn thoả hiệp và dùng quảng cáo? Hãy nhìn ở góc độ khác, nếu mình nói giá click là 1.000 đồng, bạn nghĩ tới điều gì? Nếu bạn quy ra 10 click là 1 chai sting thì không chính xác. 1.000 đồng/click cũng chỉ là một cách quy đổi giá trị.
Ở đây Đồng và Click là 2 loại hàng hoá đặc biệt được đem ra quy đổi, nhưng không thể quy đổi 10 click thành 1 chai sting. Vì sao?
Việc bắc cầu như vậy không đúng vì hệ quy chiếu là khác nhau. 1.000 đ/click nếu bỗng dưng bị tăng giá thành 10.000 đ/click bạn có thấy đắt không? Nếu bạn trả lời ngay là ĐẮT thì bạn nhầm rồi, nếu tăng giá click mà bạn vẫn có lãi khi bán hàng, thậm chí lãi gấp 15 lần thì 10.000 đ sẽ là rẻ. Ngược lại 1.000 đ dù có hạ thành 200đ/click thì nó vẫn là đắt nếu bạn chả bán được chút hàng nào, sẽ là lỗ nặng.
Giá trị của 1.000đ khi quy đổi ra click bản thân nó không còn là 1/10 chai sting mà chúng ta biết. Vậy thế giới chấp nhận x% click ảo vì đơn giản họ vẫn có lợi nhuận kinh doanh. Với những ai kỹ tính họ sẽ tìm các công ty uy tín để mua quảng cáo. Google, Facebook tất nhiên là những công ty lớn nhất, uy tín nhất cũng như chịu sự kiểm soát gắt gao nhất.
Dông dài bắt đầu khó hiểu đúng không.

Tóm tắt này:

  • Click “ảo” – Click “không hợp lệ” hãy để Google xử lý
  • Nếu bạn nghi ngờ họ chưa xử lý được hết thì hãy báo cho Google
  • Hãy xem kỹ cách làm quảng cáo của mình để tăng lợi nhuận, chi phí quảng cáo sẽ chả là gì nếu lợi nhuận luôn tốt
  • Nếu vẫn không hài lòng, bạn có thể huỷ tài khoản Google AdWords và ngừng chơi với họ

 

Mai Xuân Đạt

MENU
Coppyright @blog.guuads.com